Câu chuyện về Rượu Vang Bạch Mã
Từ lâu, trái vả là một loại quả rất quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam. Cây vả có tên khoa học Ficus Auriculata, là một loài cây thuộc chi Ficus, cùng họ với cây sung. Ở Việt Nam, nhắc đến trái vả, người ta sẽ nghĩ ngay đến vùng đất cố đô Huế bởi đây là nơi mà cây vả được trồng rất nhiều. Tại Huế, không chỉ các chùa chiền, các nhà vườn lớn Kim Long, Nguyệt Biều, thị thị trấn Phú Lộc ... trồng nhiều vả, mà những khu vườn nhỏ trong gia đình của những người dân cũng thường có nhiều cây vả xanh tươi, sai trĩu quả.
Theo đông y, quả vả có vị ngọt, tính bình, có dược tính phòng và chữa bệnh táo bón, kiết lị, trĩ, điều hòa ruột, lợi tiểu, tốt cho những người ăn kiêng vì nhiều chất xơ và ít năng lượng. Đặc biệt, năm 2015, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố top 50 món ăn đặc sản Việt Nam lần thứ 3, trong đó có trái vả của Thừa Thiên- Huế.
Cuối năm 2019, sau 1 quá trình nghiên cứu và thực nghiệm, Công ty TNHH SX TM DV Lộc Mai (đóng tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã cho ra mắt sản phẩm rượu vang Bạch Mã. Đây là sản phẩm rượu vang đầu tiên tại Việt Nam được lên men tự nhiên với nguyên liệu chính từ trái vả.
Rượu vang Bạch Mã là sự kết hợp giữa những trái vả chín với những quả dâu tằm chín mọng được lựa chọn kỹ càng để tạo ra những sản phẩm hoàn hảo nhất. Để lên men được sản phẩm rượu vang bắt buộc phải chọn được những trái vả đạt chuẩn (thông thường những quả vả to, có đường kính tầm 5cm). Những quả vả sau khi được chọn lựa kỹ càng sẽ vận chuyển lên đỉnh Bạch Mã, với độ cao khoảng 1450m so với mực nước biển. Tại đây có nhiệt độ từ 19-20ºC, là mức nhiệt thích hợp để len men. Thời gian ủ phải mất ít nhất một năm mới cho ra sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm rượu vang vả đã được Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm nghiệm và đủ điều kiện để đưa ra phục vụ ngoài thị trường.